Ngay từ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03-02-1930, đã khẳng định mục tiêu làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản; đồng thời, xác lập con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước nhà. Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay tiếp tục nhất quán với mục tiêu và con đường ấy; vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế ngày nay. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại có bước phát triển mới về vấn đề căn cốt này trên cơ sở tổng kết việc thực hiện mục tiêu CNXH và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Đại hội XIII, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25-01 đến ngày 02-02-2021 vừa qua, là một cột mốc quan trọng.

1. Báo cáo chính trị của Đại hội XIII dành sự quan tâm hàng đầu cho lý luận và thực tiễn CNXH ở nước ta. Đánh giá tổng quát, “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá”(1). Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được bổ sung, cụ thể hoá, phát triển với những nhận thức quan trọng”(2).

Sinh thời, các nhà kinh điển nhiều lần nhấn mạnh, CNXH không phải là một khuôn mẫu để cuộc sống phải định dạng theo; mà là một phong trào hiện thực thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa. Các ông cũng lớn tiếng cảnh báo, CNXH phải được gieo trồng trên từng mảnh đất hiện thực. Thấm nhuần tinh thần biện chứng ấy, toàn Đảng, toàn dân đã từng bước làm sáng tỏ và đến nay xác định 8 đặc trưng của xã hội XHCN ở nước ta, trong đó đặc trưng hàng đầu, mang tính mục tiêu xuyên suốt của CNXH Việt Nam là Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đến nay, Đảng cũng nhất quán xác định 8 phương hướng cơ bản tạo thành con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, vừa quán triệt sâu sắc bản chất của CNXH khoa học vừa bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thế giới đương đại. Cũng từ đổi mới của Việt Nam, Đảng ta đã có đóng góp quý báu đối với lý luận và thực tiễn của CNXH khi đúc kết các mối quan hệ lớn cần nhận thức đúng và giải quyết có hiệu quả trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đến nay là 10 mối quan hệ, phản ánh những mâu thuẫn sinh động, biện chứng, mang tính quy luật trong quá trình đổi mới quá độ đi lên CNXH từ xuất phát điểm tiền tư bản chủ nghĩa như nước ta và trong bối cảnh quốc tế đặc thù như giai đoạn hiện nay của thời đại.

Văn kiện Đại hội XIII đã cụ thể hóa những kết quả, thành tựu trong thực hiện mục tiêu CNXH và đảm bảo định hướng XHCN thời gian qua. Về kinh tế, “nhận thức về nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn; doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường”(3). Về chính trị xã hội, “tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước(4); “xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện(5). Về xây dựng Đảng, “công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”(6). “Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”(7). Về lý luận, “hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển”(8)

2. Bên cạnh những kết quả, thành tựu đó, với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, Đại hội XIII đã nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong thực hiện mục tiêu CNXH và đảm bảo định hướng XHCN trong quá trình đổi mới vừa qua.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, tổ chức vào tháng 01-1994, đã xác định 4 nguy cơ đe dọa công cuộc đổi mới và chế độ xã hội gồm: tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Gần 30 năm sau, Đại hội XIII (2021) tiếp tục cảnh báo: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”. Để cụ thể hóa tính chất gay gắt hơn, Đại hội đã thẳng thắn vạch ra hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực:

Về kinh tế, “thể chế KTTT định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, bất cập”(9). Mặc dù Đảng đã cố gắng xác định những đặc trưng của nền KTTT định hướng XHCN, nhưng những tiêu chí cụ thể của từng đặc trưng chưa được làm sáng tỏ, gây ra nhiều cách hiểu, cách làm, cách đánh giá không thống nhất, không nhất quán. Chủ trương xây dựng các quan hệ sản xuất (QHSX) tiến bộ phù hợp, được nêu ra từ Đại hội XI (2011), đến nay vẫn chưa được làm rõ về nội hàm, tiêu chí, cách làm…Quá trình sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tiến triển chậm và trong không ít trường hợp bị nhìn nhận thành tư nhân hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thiên chức tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, sau 3 thập kỷ thực hiện, như Đại hội đánh giá “chưa đạt được mục tiêu đề ra”(10). Như vậy là, cả cơ sở hạ tầng của hình thái kinh tế xã hội XHCN (các QHSX) và cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH (nền công nghiệp hiện đại) đều rất chậm được làm rõ và chưa thành công. Có lẽ đây là hạn chế, yếu kém đáng lo ngại hàng đầu khi nói đến mục tiêu CNXH cũng như định hướng XHCN ở nước ta.

Về văn hóa – xã hội, lần đầu tiên Đảng chỉ rõ hạn chế, yếu kém “có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng XHCN về phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển KTTT”(11).  Trong đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục của đất nước hiện nay, gần như không thấy đề cập đến việc xây dựng con người XHCN, tạo lập các giá trị XHCN, nền văn nghệ XHCN, thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản… Thay vào đó, là vô số những phong cách, khuynh hướng tân kỳ, lạ lẫm. Hoạt động tâm linh rất nhiều khi bị biến thành mê tín, dị đoan. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong không ít trường hợp trở thành khôi phục hủ tục xưa cũ. Tiếp thu văn hóa bên ngoài ở nhiều nơi chỉ là sự sao chép vụng về, nô bộc. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với tính cách là tảng tinh thần của xã hội XHCN ở Việt Nam không thể vững vàng tiến bước trong bối cảnh đời sống văn hóa – xã hội và công tác văn hóa – tư tưởng thiếu định hướng như vậy!

Về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, những hạn chế, yếu kém cũng hết sức đáng lo ngại. Văn kiện Đại hội XIII vạch rõ: “Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”(12). “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp”(13). “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(14). Chính quyền là “vấn đề cơ bản của sự nghiệp cách mạng”, như lãnh tụ Lênin đã cảnh tỉnh ngay từ những năm tháng bão táp đầu thế kỷ XX. Trên vấn đề cơ bản này, Đại hội XIII rất thẳng thắn kiểm điểm: “xây dựng NNPQ XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”(15).

Như chúng ta đều biết, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, lãnh tụ Hồ Chí Minh dành điều “trước hết để nói về Đảng”, vì Người biết đây là nhân tố quyết định, là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng. Đảng chỉ mãi mãi là đội tiền phong lãnh đạo và cầm quyền, khi luôn luôn được củng cố như bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức; khi là hiện thân của đạo đức và văn minh; khi thật sự xứng đáng là “con nòi” của dân tộc; tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc và thời đại… Ngày nay, Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên, nhưng hầu như không có trường hợp tiêu cực, tham nhũng lớn nào được kiểm điểm, phanh phui thông qua sinh hoạt Đảng thường kỳ của chi bộ, đảng bộ ! Không có thông tin, không biết… hay không dám đấu tranh, né tránh, an phận thủ thường…? Dù theo hướng nào, thì đây cũng là dấu hiệu sa sút sức chiến đấu vô cùng đáng lo ngại của các tổ chức Đảng, vô tình trở thành bối cảnh lợi hại cho tình trạng “tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”(16); “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(17), như Đại hội XIII nhận định.

Về tư duy lý luận, hạn chế nhiều năm nay chưa được khắc phục là: “Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng XHCN, nhất là việc nhận thức, giải quyết đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn”(18). Trong 10 mối quan hệ lớn hiện nay, có các mối quan hệ trực tiếp quyết đinh đến mục tiêu CNXH và đảm bảo định hướng XHCN. Đó là các quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước QHSX XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ… Đây là các vấn đề chứa đựng mâu thuẫn biện chứng xuất hiện trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, không có tiền lệ trong lịch sử phong trào XHCN thế giới, càng không có lời giải trong di sản kinh điển Mác-Lênin. Đảng và nhân dân Việt Nam đã tự nhận thức, tổng kết thành lý luận và phải tiên phong tìm ra giải pháp kịp thời, hữu hiệu!

3. Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu và khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đối với quá trình phát triển đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI, Đại hội XIII nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo hàng đầu là “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”(19). “Mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân là “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”(20).

Để đạt mục tiêu cao cả đó, phải nhất quán “KTTT định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của NNPQ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(21).

Trên bình diện xã hội, Đại hội nêu rõ yêu cầu: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng XHCN trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”(22). Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng XHCN.  Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, “cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng XHCN; xây dựng, hoàn thiện QHSX tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc XHCN”(23). Thực chất, đây là tư duy, quan điểm về nhiệm vụ xây dựng con người XHCN – nhân tố không thể thiếu đối với sự nghiệp xây dựng CNXH như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh.

Trên một phương diện rất căn cốt khác, Đại hội XIII vạch rõ: “Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân”(24). Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đại hội XIII dành sự quan tâm lớn đến công tác xây dựng Đảng, nhân tố quyết định thành bại của mục tiêu CNXH và định hướng XHCN trong quá trình đổi mới ở nước ta. Kiên định các nguyên tắc về xây dựng Đảng. nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(25).

CNXH, chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại bởi vì đó là chế độ không còn bóc lột, áp bức, bất công; đời sống vật chất sung túc, đầy đủ; đời sống tinh thần lành mạnh, văn minh; con người được phát triển toàn diện và từ vương quốc của tất yếu chuyển sang vương quốc của tự do… Đi đến mùa xuân hoàn bị đó, là một cuộc đấu tranh gay gắt, sống còn trước các thế lực tư bản, đế quốc, phản động và cả những nguy cơ xuất hiện trong nội bộ cuộc sống của chúng ta. Đại hội XIII với nhiều tư duy, quan điểm đặc sắc về mục tiêu CNXH và định hướng XHCN trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ nay đến giữa thế kỷ XXI, đã soi sáng thêm con đường cho toàn Đảng, toàn dân đi đến mùa xuân cao đẹp đó!

(Dẫn theo Tác giả PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị, số 02(23)-2021)

_________

(1),(10)&(18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.103

(2),(3),(7),(9),(11),(12),(13),(15),(16),(19),(20),(21),(22),(23),(24),(25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.99, 60, 76, 80, 108, 90, 91, 89, 108, 109, 112, 128, 147-148, 120, 172, 173

(4)&(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.71

(6)&(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.74

(14)&(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.93.