1. Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Hồ Chí Minh trong 6 thập kỷ hoạt động cách mạng đã có những cống hiến lịch sử vô giá vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới trong thế kỷ XX, đặc biệt là phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.Người truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước và sáng lập ra chính đảng cách mạng theo học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin ở Việt Nam. Là nhà tư tưởng, nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin từ tổng kết thực tiễn cách mạng, đã phát hiện ra quy luật đặc thù sự ra đời chính Đảng Cộng sản ở Việt Nam - ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, xã hội nông nghiệp cổ truyền còn nhiều tàn tích lạc hậu của chế độ phong kiến gia trưởng. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta. Người cũng tìm ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH theo phương thức “Phát triển rút ngắn” và “quá độ gián tiếp” lên CNXH, coi cách mạng Việt Nam là một bộ phần của cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới. Những tử tưởng lớn đó được Người đề xướng, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện trong suốt tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt và đặc thù, với bản lĩnh sáng tạo, ý chí, nghị lực phi thường. Người không chỉ xác định đúng lý luận và phương pháp cách mạng, chiến lược và sách lược cách mạng mà còn đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng, liên kết phong trào cách mạng trong nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo với phong trào cách mạng quốc tế, nhất là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Hồ Chí Minh đặc biệt nhạy cảm với tư tưởng Đoàn kết, từ rất sớm đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Đoàn kết – đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, với hạt nhân là đoàn kết trong Đảng. Người là biểu tượng và hiện thân của Đoàn kết trên lập trường giai cấp công nhân và lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, tạo nên sức mạng tổng hợp của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Người ý thức sâu sắc về cách mạng triệt để (cách mạng đến nơi) theo tấm gương tiêu biểu của Cách mạng Tháng Mười Nga, 1917, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Lênin (Mác – Lênin) mà Người đánh giá rằng, đó là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất. Đảng Cách mạng, người cách mạng phải tin, phải theo chủ nghĩa đó, trung thành một cách sáng tạo chủ nghĩa đó. Cho nên, suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh nhất quán trên lập trường, quan điểm Mác xít, là nhà tư tưởng Mác xít kiên định và sáng tạo của Đảng và của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Người còn là bậc thầy về sáng tạo phương pháp, tận dụng triệt để tình thế và thời cơ cách mạng, cách mạng vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, hành động cách mạng mau lẹ, kiên quyết nhưng phải sáng suốt, mưu lược, thận trọng, theo đúng quy luật, nắm bắt xu thế của lịch sử, thấu hiểu tâm trạng, nguyện vọng của toàn dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân mà hành động, đem lại lợi quyền cho dân, trung thành với lợi ích tối cao của Tổ quốc và dân tộc để dân ủng hộ và noi theo. Đó là đặc sắc của Tư tưởng – Đạo đức và Phong cách Hồ Chí Minh, trong đó phương pháp Hồ Chí Minh là một điểm nhấn nổi bật, có những sáng tạo lớn, cống hiến lớn.
Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và đặc thù của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn đảng, toàn dân vừa tiến hành đến cùng cách mạng GPDT, thực hiện lý tưởng, mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, Độc lập – Hòa bình – Thống nhất, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện quyền làm chủ thực chất, dân chủ thực chất cho toàn dân. Người cũng dành nhiều nỗ lực và tinh lực của đời mình để tìm tòi lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam, nhất là xử lý thành công các quan hệ giữa ĐLDT và CNXH, giữa dân tộc và giai cấp, giữa GPDT với GPGC, giữa dân tộc với quốc tế và thời đại, giữa Đảng với dân, giữa Đảng với Nhà nước và nhân dân khi Đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt tới đặc điểm to nhất của nước ta khi tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH, đó là quá độ bỏ qua chế độ TBCN. Do đó, lý luận Hồ Chí Minh về CNXH không chỉ làm rõ bản chất, mục tiêu, động lực của CNXH mà còn quan tâm giải quyết các nhiệm vụ, nội dung xây dựng CNXH trên 4 lĩnh vực chủ yếu: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa – Xã hội, tìm tòi con đường, xác định mô hình, bước đi phù hợp, nhất là trong thời kỳ quá độ. Quan trọng là “cách làm” như Người thường gọi, đó chính là phương pháp. Người công phu giáo dục, đào tạo, huấn luyện cán bộ, khéo lãnh đạo, khéo dùng cán bộ, lại khéo kiểm tra, kiểm soát cán bộ để cán bộ không bị hư hỏng và luôn phát huy được khả năng sáng tạo của họ.
Người coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động cách mạng. Công tác Dân vận được Người chỉ dẫn gắn liện với Dân chủ, Đoàn kết, Đồng thuận và nêu gương. Trong hàng ngũ các nhà tư tưởng, các lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh là người quan tâm sớm nhất, nhiều nhất, nhất quán và sáng tạo nhất, lại tự mình nêu gương thực hành bền bỉ nhất về đạo đức cách mạng. Người có cả chủ kiến đạo đức Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhưng không xem nhẹ phủ nhận cá nhân, trái lại hết sức tôn trọng, nâng niu giá trị con người. Đó là Văn hóa Hồ Chí Minh - làm người và ở đời. Luận đề tư tưởng nổi bật của Người là “muốn xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN”. Tầm nhìn chiến lược của Người là “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Do đó, phải quan tâm tới quốc sách hàng đầu là giáo dục, đồng thời là khoa học, công nghệ. Phải tôn trọng, trọng đãi, phát huy trí thức nhân tài, nhất là nhân tài ngoài Đảng. Không chỉ quan tâm giải quyết các công việc nội trị, Người còn rất mực xem trọng các kế sách ngoại giao, trong lãnh đạo, kết hợp đối nội với đối ngoại, trong quản lý kết hợp Đức trị với Pháp trị. Nếu Dân chủ pháp quyền là một thì Nhà nước là nhà nước pháp quyền nhân nghĩa vì dân. Nhân dân là của quý báu nhất trên đời. Dân chủ lại là thứ tài sản quý nhất của Dân. Và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc, để vượt qua mọi khó khăn. Người gắn liền lý luận Dân chủ với triết lý nhân sinh và chữ DÂN trong bảng từ vựng Hồ Chí Minh vì vậy mà có tần số lớn nhất. Cho nên, CNXH Việt Nam và xây dựng CNXH ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải là CNXH khoa học, thấm nhuần sâu sắc đặc tính dân tộc và nhân dân, nổi bật giá trị đạo đức và nhân văn, đạt tới văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ, thành sức mạnh nội sinh của phát triển, có vai trò soi đường cho quốc dân đi, làm cho Đảng thực sự là đạo đức và văn minh, đưa dân tộc ta thành một dân tộc thông thái, xã hội XHCN Việt Nam là một xã hội văn hóa cao. Cán bộ đảng viên là tấm gương tiên phong gương mẫu, đi trước cho dân noi theo. Đó là nơi gặp gỡ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và bổn phận, nghĩa vụ cao quý là đầy tờ của dân của cán bộ, đảng viên.
Với sức mạnh đó như một nguồn trữ năng tinh thần vô tận luôn được nuôi dưỡng, khai thác và phát huy thì “non sông Việt Nam mới trở nên tươi đẹp và dân tộc Việt Nam sẽ bước lên đài vinh quang, sánh vai được với các cường quốc năm châu”. Đó là khát vọng phát triển, là hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người. Để thực hiện khát vọng đó phải chú trọng các điều kiện, ra sức thực hành các phương châm, chú trọng giải quyết hài hòa các quan hệ.
+ Có lý luận tiên phong dẫn đường. Có Đảng chân chính cách mạng lãnh đạo và Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt.
+ Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Giáo dục, đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Phải coi trọng cả Đức lẫn Tài mà Đức là gốc.
+ Phải nêu cao quyết tâm, thực hành tín tâm, thực hiện đồng tâm trong quan hệ với nhân dân.
+ Nói ít làm nhiều. Lời nói đi đôi với việc làm. Chú trọng nêu gương và lãnh đạo bằng gương mẫu.
+ Có bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, không màng danh lợi, toàn tâm toàn ý, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân. Chỉ có trí tuệ khoa học, đạo đức cách mạng trong sáng và bản lĩnh chính trị vững vàng mới đưa sự nghiệp tới thành công và không rơi vào quan liêu, tham nhũng khi cầm quyền. Phải thường xuyên đổi mới, phải ra sức phát huy sáng kiến, nêu cao lòng hăng hái, tinh thần trách nhiệm trước dân. Đảng phải ra sức “Sửa đổi lối làm việc”, để cách mạng thực sự là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”.
Trên đây là một tóm tắt lý luận về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Bản Di chúc 1000 từ của Người là tiêu biểu nhất. Di chúc của Người kết tinh cả tư tưởng, đạo đức, phong cách và phương pháp của Người, ở đó, Người nêu rõ quan niệm khoa học về CNXH, về đổi mới, đặc biệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về quan tâm tới con người bằng chính sách, có cơ chế tạo động lực, bằng phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Di chúc thực sự là “Quốc bảo” và “Pháp bảo” của Đảng và của dân ta, của mọi thế hệ người Việt Nam từ nay về sau để xây dựng thành công CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Di chúc là một đại tổng kết lý luận – thực tiễn của Hồ Chí Minh về cách mạng, về đổi mới sáng tạo, về hội nhập quốc tế để phát triển. Đó là sự kết tinh tài sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta để tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Di chúc là một mẫu mực về văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó Người thể hiện tinh tế và sâu sắc văn hóa trên quan điểm giá trị, gợi mở cho chúng ta bao điều bổ ích về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập để phát triển.
2. Sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là một Đảng Cách mạng chân chính. Đảng ta luôn trung thành một cách sáng tạo với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của Cách mạng Việt Nam.
Bài học vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta thấm nhuần trong mọi thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
Gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đó là một thành tựu lý luận nổi bật, có ý nghĩa to lớn thúc đẩy đổi mới, nhất là vào lúc này khi chúng ta tiếp tục đổi mới sáng tạo để thực hiện khát vọng phát triển vào giữa thế kỷ XXI, làm cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Vậy Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào và đạt được những thành tựu gì về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam?
- Trước hết, Đảng ta không ngừng tìm tòi, đạt được những phát triển nhận thức mới về tư tưởng Hồ Chí Minh, Di sản Hồ Chí Minh và khẳng định thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Nếu năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, Đảng ta đặt vấn đề học tập tác phong Hồ Chí Minh thì ở thời kỳ Đổi mới, từ Đại hội VI (1986) đến nay, Đảng ta đã từng bước nhận thức về tư tưởng của Người. Tư tưởng đó không chỉ là vận dụng mà còn là phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, khẳng định những phát triển sáng tạo của Người vừa làm phong phú lý luận vừa bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Một nhận thức hoàn chỉnh về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta trang trọng đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng và Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh 2011, bổ sung phát triển) nói rõ nguồn gốc hình thành, nội dung và vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh những giá trị tinh hoa của dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá, bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng, là sức mạnh của các thế hệ người Việt nam để thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Đảng ta còn nhấn mạnh, di sản vĩ đại mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân là Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tư tưởng và Di sản của Người là ngọn cờ dẫn đường đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Việc học tập và làm theo Người không chỉ là đạo đức hay tấm gương đạo đức mà còn là một hệ thống chỉnh thể tư tưởng – đạo đức và phong cách.
Học tập và làm theo tư tưởng – đạo đức – phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành nhu cầu văn hóa tự giác và sáng tạo, là giải pháp chiến lược để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch, thật vững mạnh, triệt để chống quan liêu, tham nhũng và mọi tệ nạn tiêu cực của xã hội, làm cho cả hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện. Chú trọng đặc biệt đến nêu gương và trách nhiệm nêu gương để củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân. Đó là tài sản vô giá của Đảng, của chế độ phải ra sức phát huy.
- Thứ hai, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ra sức thực hiện chỉ dẫn của Người qua cẩm nang kỳ diệu mà Người trao cho chúng ta “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó vừa là quan điểm và nguyên tắc, vừa là phương pháp và phương châm trong ứng xử và hoạt động để giữ vững lập trường và phương hướng chính trị, để linh hoạt sáng tạo, phù hợp với tình hình và hoàn cảnh, tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đó là khoa học và nghệ thuật đấu tranh cách mạng, là văn hóa chính trị của Đảng cầm quyền. Thấm nhuần bài học này trong tiến trình Đổi mới, Đảng ta đã sáng tạo cả lý luận và phương pháp, cả đường lối và chính sách, biện pháp và bước đi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc hiểm nghèo khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, khi Liên Xô đổ vỡ, hệ thống XHCN thế giới tan rã, cách mạng thoái trào mà Việt Nam vẫn thoát hiểm và đứng vững, vẫn tiếp tục đi lên thông qua đổi mới. Giải quyết thành công cuộc khủng hoảng, không để xảy ra khủng hoảng chính trị, đó là thành công và bản lĩnh của Đảng, từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta xác định rõ, kiên quyết và kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, coi lợi ích dân tộc là cốt lõi của phát triển quốc gia, đó là phát triển sáng tạo tư tưởng của Người, “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết” nhưng không rơi vào biệt phái, cực đoan, giáo điều, vẫn giải quyết hài hòa Dân tộc và quốc tế, lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế, chủ động hợp tác song phương và đa phương trong thế giới toàn cầu hóa.
Như đã nói, phương pháp là một trong những đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ nắm vững phương pháp, sáng tạo về phương pháp mà Đảng ta đặc biệt chú ý nhận thức và xử lý các mối quan hệ. Mười mối quan hệ lớn, Đảng nỗ lực tổng kết từ thực tiễn, khái quát thành lý luận, xác định rõ đó là nội dung lý luận của đường lối đổi mới, của việc kiến tạo CNXH Việt Nam, là kết quả vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta từ Đại hội XI ( 8 quan hệ) đến Đại hội XII (9 quan hệ) và Đại hội XIII (10 quan hệ) đã cho thấy bước tiến lớn về tư duy lý luận của Đảng, thành tựu phát triển lý luận của Đảng về xây dựng CNXH về phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới.
- Thứ ba, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đổi mới và Hội nhập, bắt nguồn từ định nghĩa kinh điển của Người về “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”, Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới mang tầm vóc của một cuộc cách mạng. Đặc biệt là đổi mới trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng đi tiên phong tự đổi mới chính mình để thúc đẩy và dẫn dắt xã hội đi vào đổi mới. Phát triển sáng tạo của Đảng ta là bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, trước hết phải đổi mới kinh tế, trên cơ sở đổi mới kinh tế đã bước đầu cho thấy kết quả mà từng bước đổi mới chính trị một cách thận trọng, từ đổi mới hệ thống chính trị tiến đến đổi mới chính trị, đồng bộ với đổi mới kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển. Gần đây, từ Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh, phải đổi mới thể chế phát triển, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế kinh tế thị trường, hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực), tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Đổi mới gắn liền với mở cửa và hội nhập, từ hội nhập kinh tế đến hội nhập quốc tế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, từ ổn định đến phát triển, từ phát triển tới phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Trù tính chiến lược của Đảng ta là đưa đất nước từ lạc hậu, chậm phát triển tới trình độ một nước đang phát triển, tiến tới nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, phấn dấu xây dựng quốc gia XHCN có nền công nghiệp hiện đại định hướng XHCN thông qua chiến lược CNH, HĐH. Nhờ phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và phát triển, Đảng ta từ tổng kết thực tiễn mà xác định rõ khung lý luận CNXH ở Việt Nam là hệ thống 8 đặc trưng của xã hội XHCN, 8 phương hướng cơ bản (con đường và mô hình) xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ và 10 mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật của đổi mới, là nội dung lý luận của đường lối đổi mới của nước ta. Thành quả lý luận này đánh dấu sự trưởng thành lý luận của Đảng cầm quyền. Trong hệ thống các mối quan hệ lớn đó, Đảng ta chú trọng quan hệ giữa Đổi mới với ổn định và phát triển. Đổi mới là con đường, phương thức, phương tiện căn bản để phát triển. Ổn định là điều kiện và phát triển là mục đích. Đổi mới cũng là động lực tổng quát, bao trùm đưa đất nước phát triển với lực đẩy giải phóng lực lượng sản xuất và giải phóng ý thức, tinh thần xã hội, trong khi lợi ích và hài hòa các quan hệ lới ích là động lực trực tiếp, mãnh liệt, bền bỉ và thường xuyên.
Đảng ta còn tập trung giải quyết các mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đây là quan hệ chính trị, pháp lý giữa các chủ thể mà mục tiêu cần đạt tới là nhân dân làm chủ, nhân dân thụ hưởng lợi ích chính đáng, công bằng, nhân dân còn kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực do mình ủy quyền, không để xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực.
Lý luận CNXH Việt Nam, lý luận xây dựng CNXH ở Việt Nam gắn chặt với lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Thành công của đổi mới cũng là thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Phát triển sáng tạo tư tưởng đổi mới, tư tưởng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Đảng ta là minh chứng sinh động cho Tư tưởng – Phương pháp – Đạo đức – Phong cách Hồ Chí Minh: “Đúng quy luật – Thuận lòng dân – Hợp thời đại”. Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi này, Đảng phải thực sự tiên phong về lý luận, tiêu biểu cho đạo đức, “Đảng là đạo đức, là văn minh; Đảng và Dân gắn bó máu thịt, Đảng vì Dân nên Dân tin Đảng, theo Đảng, Đảng nhạy cảm nắm bắt đúng xu thế của thời đại, của thế giới, có đường lối đối ngoại đúng, có chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, chủ động, thích ứng”, “là bạn của tất cả các nước”, là “thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, tận dụng và tạo dựng môi trường hòa bình để phát triển và phát triển, hợp tác trên tinh thần khoan dung văn hóa.
Đảng ta và dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đó cũng là thực hiện tâm nguyện hoài bão của Người bằng sức mạnh của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung mà Người là biểu tượng và kết tinh.
- Thứ tư, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện chỉ dẫn của Người, phải làm cho Đảng thực sự là một Đảng Cách mạng chân chính “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất” (Đường Cách mệnh, 1927), ra sức “Sửa đổi lối làm việc của Đảng”, 1947, thực hiện 12 điều xây dựng Đảng (“Sửa đổi lối làm việc”, 1947), “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969) và Di chúc (1969) để xứng đáng là một Đảng cầm quyền. Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta gắn chặt xây dựng với chỉnh đốn Đảng, mở rộng nội dung xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về văn hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền, chính phủ liêm chính, định hình văn hóa liêm chính trong thể chế, giáo dục danh dự, liêm sỉ trong Đảng, áp dụng các chế tài để giám sát, kiểm soát đảng viên, dựa vào dân mà xây dựng Đảng với 19 điều cầm đảng viên không được làm. Đó cũng là bước chuẩn bị để xây dựng bộ Luật đạo đức trong xã hội, trước hết là trong Đảng.
- Thứ năm, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta tập trung vào giáo dục, huấn luyện, đào tạo và kiểm soát cán bộ.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đây là khâu then chốt của then chốt. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định thành bại của cả một sự nghiệp. Trong công tác cán bộ, Đảng ta ngày càng ý thức rõ tầm quan trọng, tiêu chuẩn của cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, quá trình lựa chọn, sàng lọc cán bộ, xử lý nghiêm minh theo luật nước (Pháp luật), luật Đảng (Điều lệ). Trong giải pháp đột phá chất lượng nguồn nhân lực, Đảng ta xác định ưu tiên trước hết cho chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, nâng cao trình độ cán bộ về lý luận, học vấn chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện cán bộ trong môi trường thực tiễn, kiểm tra giám sát cán bộ bằng thế chế, thiết chế, bằng đánh giá của tổ chức và nhân dân.
Làm như vậy, chẳng những thấm nhuần chỉ dẫn Hồ Chí Minh mà còn phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong tình hình hiện nay và trước yêu cầu mới của sự phát triển cách mạng.
Đó là 5 điểm chủ yếu thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, cần tiếp tục đi sâu tổng kết và phát triển trên một trình độ mới.
Trong điều kiện Đảng lãnh đạo và cầm quyền, thắng lợi của Đổi mới, thành công của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, tương lai triển vọng đất nước ra sao – điều đó tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, tùy thuộc vào sức chiến đấu, bản lĩnh sáng tạo của Đảng. Tư tưởng và Di sản Hồ Chí Minh vẫn là và mãi mãi là nguồn sáng dẫn đường, chỉ dẫn cho toàn Đảng, toàn dân đi tới thắng lợi./.
G.S TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp,
nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Nguồn: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/su-van-dung-bo-sung-phat-trien-sang-tao-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-cnxh-va-con-duong-di-len-cnxh-cua-dang-cong-san-vn-trong-boi-canh-moi.html