Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào”, “Chnăm” là “Năm”, Thmây” là “Mới”; nguồn gốc của lễ hội được lý giải bằng truyền thuyết liên quan đến câu chuyện chuyển giao tôn giáo từ Bàlamôn giáo sang Phật giáo, xoay quanh cuộc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên (Kabul Maha Prum) và cậu bé thông minh Thom Ma Bal, một tiền kiếp của Đức Phật. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng đầu tháng “Chét” của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) và diễn ra trong 03 ngày (năm nhuận 04 ngày), mỗi ngày đều có tên gọi khác nhau. Đây không chỉ là dịp đồng bào Khmer thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mà còn là dịp để tưởng nhớ đến tổ tiên và đức Phật đã che chở trong suốt một năm qua. Do năm 2024 là năm nhuận nên Tết cổ truyền của đồng bào Khmer diễn ra trong 04 ngày từ 13-16/4 dương lịch.
Tết cổ truyền - Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer
Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran” (Lễ rước Đại lịch): Đây là ngày đầu tiên của năm mới, lễ rước Đại lịch có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên đán của người Việt và nhiều dân tộc khác, nhằm tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới. Tuy nhiên thời khắc giao thừa không phải là 00 giờ 00 phút như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong 07 nàng tiên con của Thần Kabul Maha Prum) giáng trần thay thế cho vị tiên nữ năm cũ chăm lo cho người dân trong năm đó.
Ngày thứ hai và thứ ba gọi là “Virak Vanabath” hoặc còn gọi là “Puôn Phnum Khsách” (Đắp núi cát): Những ngày này diễn ra 02 hoạt động chính; đó là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Lễ dâng cơm là hoạt động nhằm bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng qua việc dâng cúng vật thực cho các vị sư; đáp lại các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn những người thân quá cố. Sau đó, các vị sư thưởng thức vật thực và tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Buổi chiều diễn ra hoạt động đắp núi cát, đồng bào Khmer quan niệm mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian; do đó họ rất hăng hái đắp núi cát, để mong Đức Phật ban phước lành.
Ngày thứ tư gọi là “Thngay Lơng Sắk” (ngày thêm tuổi) hoặc còn gọi là ngày “Soong Tức Prắc” (Tắm Phật): Đây là ngày chính thức mọi người Khmer được hưởng thêm tuổi mới và cũng là ngày cuối của lễ hội, tương tự như những ngày đầu, sau khi đã dâng cơm buổi sáng cho các vị sư, đồng bào Khmer làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật, rửa sạch những điều không may của năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới. Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, mọi người cùng các vị Achar tập trung tại khu vực tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho linh hồn được siêu thoát. Lễ cầu siêu cũng là nghi lễ cuối cùng kết thúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.
Tin và ảnh: Thanh Sang – Duy Chiến