Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí và chức năng

Ban Tổ chức - Cán bộ là đơn vị trực thuộc Giám đốc Học viện Chính khu vực IV (viết tắt là Học viện), có chức năng tham mưu cho Đảng uỷ, Giám đốc Học viện về công tác tổ chức - cán bộ của Học viện và giúp Giám đốc tổ chức thực hiện quản lý thống nhất về công tác tổ chức - cán bộ; về công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức toàn Học viện; về chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước sát hợp với thực tế của đơn vị.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Hoạt động của Ban Tổ chức – Cán bộ dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đồng thời thực hiện chế độ thủ trưởng, đề cao trách nhiệm cá nhân trong công việc, bảo đảm dân chủ, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả trong mọi hoạt động và đoàn kết thống nhất trong công tác.

2. Quá trình giải quyết công việc phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn đúng theo quy định của pháp luật, kế hoạch, lịch làm việc và các quy chế làm việc có liên quan, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu khác của cấp trên. 

3. Viên chức trong Ban là những chuyên viên phụ trách từng lĩnh vực, có trách nhiệm và hoàn thành công việc đúng phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được lãnh đạo Ban giao; luôn phát huy sáng kiến, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ban về phạm vi công việc được phân công. Các chuyên viên có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Lấy chất lượng hiệu quả và sản phẩm công việc cụ thể làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

- Tổ chức bộ máy có: 02 phòng trực thuộc (phòng cán bộ, phòng chính sách);

- Nhân sự gồm lãnh đạo Ban từ 02 - 03 đồng chí và các chuyên viên.

Chương II

CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 4. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Trưởng ban

 1. Trách nhiệm của Trưởng ban:

a) Trưởng ban là phụ trách chung và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện về mọi hoạt động chuyên môn của Ban; trực tiếp điều hành các công việc của Ban.

b) Phân công giao việc cho Phó Trưởng ban, trưởng phòng, chuyên viên (đối với trường hợp đột xuất); ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết một số công việc khi Trưởng ban vắng mặt.

c) Thường xuyên thông tin cho Phó Trưởng ban, Trưởng phòng các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác được phân công; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công việc của Ban.

d) Ký các văn bản khi Giám đốc Học viện ủy quyền.

2. Phạm vi giải quyết công việc của Trưởng ban

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Giám đốc xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung về công tác nhân sự trong Học viện và từng đơn vị trực thuộc Giám đốc.

b) Tham mưu cho Giám đốc thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý (theo phân cấp quản lý nhân sự).

c) Tham mưu cho Giám đốc thực hiện công tác xét duyệt, cử cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài.

d) Những công việc khác do Giám đốc phân công.

Điều 5. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Trưởng ban

1. Trách nhiệm của Phó Trưởng ban:

a) Phụ trách công tác cán bộ và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả nhiệm vụ được phân công; thay mặt Trưởng ban giải quyết các công việc do Trưởng ban ủy quyền.

b) Trực tiếp chỉ đạo, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho chuyên viên thuộc đơn vị phụ trách; theo dõi, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp tham mưu đề xuất, báo cáo cho Trưởng ban theo qui định.

2. Phạm vi giải quyết công việc của Phó Trưởng ban

Đối với Phó Trưởng ban, kiêm Trưởng phòng Cán bộ:

a) Trực tiếp phụ trách Phòng Cán bộ và kiêm Trưởng phòng.

b) Biên chế nhân sự, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp công chức, viên chức.

c) Quản lý, đánh giá, nhận xét công chức, viên chức.

d) Khen thưởng và kỷ luật công chức, viên chức.

e) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, đi thực tế đối với công chức, viên chức.

f) Xây dựng các quy chế, đề án, chiến lược về công tác tổ chức - cán bộ.

g) Bảo vệ chính trị nội bộ trong toàn Học viện.

h) Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tổ chức - cán bộ.

 Đối với Phó Trưởng ban, kiêm Trưởng phòng Chính sách:

a) Trực tiếp phụ trách Phòng Chính sách và kiêm Trưởng phòng.

b) Tham mưu ra soát thực hiện chế độ chính sách cho công chức, viên chức, như: xét nâng ngạch, bậc lương; chuyển ngạch lương, phụ cấp, trợ cấp; bảo hiểm xã hội…

 c) Thực hiện chế độ lễ tết, hiếu, hỷ; thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

 d) Tham mưu xét duyệt, đề nghị các chức danh khoa học GS, PGS; các danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; kỷ niệm chương.

f) Hành chính, văn thư, lưu trữ của Ban…

g) Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chế độ chính sách công chức, viên chức.

Điều 6. Quan hệ công tác giữa Trưởng ban và Phó Trưởng ban

1.Trưởng ban xác định và phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng ban kiêm Trưởng phòng hoặc một số việc giao trực tiếp cho các chuyên viên của Ban.

 2. Phó Trưởng ban có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ chuyên môn cho chuyên viên thuộc phòng mình phụ trách; thường xuyên tham mưu, đề xuất, giải quyết, báo cáo công việc với Trưởng ban thuộc lĩnh vực được giao. Kiểm tra chuyên viên trong phòng thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ của phòng.

3. Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công và giải quyết những công việc đột xuất khác do Trưởng ban giao hoặc Ban Giám đốc Học viện trực tiếp phân công.

4. Quan hệ giữa các Phó Trưởng ban là quan hệ phối hợp, có trách nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau về việc giải quyết các công việc được phân công.

Điều 7. Trách nhiệm và quan hệ công tác của chuyên viên

1. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc cụ thể của từng chuyên viên:

a) Chuyên viên làm công tác cán bộ và Bảo vệ Chính trị nội bộ có trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp, báo cáo thực hiện các công việc sau:

- Biên chế nhân sự, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp nhân sự.

- Quản lý, đánh giá, nhận xét công chức, viên chức.

- Khen thưởng và kỷ luật công chức, viên chức.

- Xây dựng quy chế, đề án, chiến lược, kế hoạch về công tác tổ chức - cán bộ.

- Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tổ chức - cán bộ.

- Bảo vệ chính trị nội bộ trong toàn Học viện.

- Quản lý hồ sơ nhân sự khi được phân công.

b) Chuyên viên làm công tác chính sách và hành chính có trách nhiệm tham mưu công việc sau:

- Tham mưu xét nâng ngạch, bậc lương, phụ cấp, trợ cấp; chuyển ngạch lương; bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu… cho công chức, viên chức.

 - Thực hiện chế độ lễ, tết, hiếu, hỷ; thông báo nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức.

 - Tham mưu xét duyệt đề nghị các chức danh khoa học giáo sư, phó giáo sư, các danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, kỷ niệm chương.

- Hành chính Văn thư: nghiên cứu, đề xuất và triển khai, giải quyết các vấn đề có liên quan đến: điều kiện, phòng làm việc; văn phòng phẩm; chuyển văn bản tờ trình trực tiếp đến từng đồng chí lãnh đạo Ban và chuyển cho Văn phòng thẩm định hoặc trình ký trực tiếp cho Ban Giám đốc. Lập sổ danh bạ điện thoại cá nhân, tổ chức có liên quan trong và ngoài Học viện phục vụ cho yêu cầu công tác của Ban; lưu trữ tài liệu của Ban.

2. Quan hệ công tác của chuyên viên:

a) Chủ động giải quyết các công việc theo nhiệm vụ được giao, thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất và chịu trách nhiệm trước phòng và Phó Trưởng ban quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được phân công.

b) Quan hệ giữa các chuyên viên là quan hệ phối hợp, thường xuyên thông tin cho nhau về việc giải quyết các công việc được phân công.

c) Trong các trường hợp phát sinh các yêu cầu giải quyết công việc đột xuất, khẩn trương thì các chuyên viên của bộ phận này có thể được huy động để giải quyết công việc của bộ phận khác và phải có ý kiến đồng ý của lãnh đạo trực tiếp.

Chương III

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT VÀ BÁO CÁO

Điều 8. Chế độ sinh hoạt chuyên môn của Ban

1. Sinh hoạt chuyên môn toàn Ban vào chiều ngày thứ hai hàng tuần, để kiểm điểm, báo cáo kết quả công việc của tuần trước, đề xuất và triển khai công việc sắp tới, trong tuần theo chủ trương của Giám đốc và ý kiến của lãnh đạo Ban.

2. Lãnh đạo Ban họp vào thứ sáu hàng tuần để thảo luận những công việc của Ban trong tuần tới; thảo luận, thống nhất những vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ trước khi trình Ban Giám đốc vào cuộc họp giao ban hàng tuần.

3. Trường hợp thay đổi lịch họp, Trưởng ban thông báo cụ thể cho các Phó Trưởng ban và chuyên viên; khi cần thiết, Trưởng ban có thể triệu tập các cuộc họp đột xuất.

Điều 9. Chế độ báo cáo chuyên môn

1. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, Trưởng (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) yêu cầu các chuyên viên báo cáo tiến độ, kết quả công việc được phân công; thảo luận tập thể những công việc có liên quan.

2. Trong quá trình triển khai công việc cụ thể, các chuyên viên thường xuyên trao đổi, báo cáo, tham mưu đề xuất với lãnh đạo Ban trực tiếp phụ trách mảng công việc được giao. Các Phó Trưởng ban báo cáo trực tiếp với Trưởng ban.

3. Khi cần thiết, chuyên viên trực tiếp báo cáo về một vấn đề nào đó theo yêu cầu của Giám đốc Học viện.      

4. Trưởng ban (hoặc các Phó Trưởng ban được ủy quyền) trực tiếp chịu trách nhiệm trình, báo cáo và xin ý kiến Giám đốc về công tác tổ chức - cán bộ của Học viện.

5. Định kỳ hàng tháng, quí, 6 tháng, cả năm chuyên viên hành chính xây dựng báo cáo theo quy định. Trường hợp Giám đốc yêu cầu báo cáo đột xuất, Trưởng (hoặc phó Trưởng ban được ủy quyền) chỉ đạo chuyên viên xây dựng báo cáo theo yêu cầu.

Chương IV

TRÌNH TỰ XỬ LÝ CÔNG VIỆC CỦA BAN

Điều 10. Cách thức giải quyết công việc

1. Trưởng ban xem xét, giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao, phân công giao việc của Giám đốc và trên cơ sở đề xuất của Phó Trưởng ban, Trưởng phòng (hoặc chuyên viên đối với những trường hợp cụ thể).

2. Trưởng ban chủ trì họp, làm việc với chuyên viên để tham khảo ý kiến trước khi giải quyết những vấn đề quan trọng, cần thiết mà chưa xử lý ngay được.

3. Phó Trưởng ban chủ trì các cuộc họp của phòng theo thường kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 11. Thủ tục và trình tự giải quyết công việc

1. Các văn bản, tờ trình lãnh đạo Học viện có nội dung có liên quan đến công tác nhân sự (qua Ban Tổ chức – Cán bộ) phải do Trưởng đơn vị ký.

2. Đối với những vấn đề có liên quan đến một hoặc nhiều đơn vị khác, trong hồ sơ trình nhất thiết phải có ý kiến chính thức bằng văn bản của các Trưởng đơn vị có liên quan.

3. Các văn bản, tờ trình đề nghị giải quyết công việc chỉ gửi 01 bản chính, Ban Tổ chức – Cán bộ chỉ nhận hồ sơ khi đầy đủ và đảm bảo theo quy định pháp luật, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

4. Ban Tổ chức - Cán bộ trình Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phê duyệt khi các hồ sơ đầy đủ và hoàn chỉnh (qua Văn phòng thẩm định, trừ các văn bản bảo mật).

Điều 12. Trình tự giải quyết công việc

Khi nhận được văn bản đề nghị của các đơn vị hoặc cá nhân, Trưởng ban có nhiệm vụ:

1. Thẩm tra về mặt thủ tục: Nếu hồ sơ, công việc trình không đúng theo quy định, trong thời gian chậm nhất 01 ngày làm việc, Trưởng ban gửi lại đơn vị hoặc cá nhân và nêu rõ yêu cầu để thực hiện đúng quy định. Đối với những vấn đề cần giải quyết gấp, Trưởng ban báo cho đơn vị, cá nhân trình bổ sung thêm hồ sơ, đồng thời báo cáo Giám đốc, Phó Giám đốc biết.

2. Thẩm tra về nội dung: Nếu trong nội dung văn bản, tờ trình, công việc còn có những vấn đề chưa rõ thì Trưởng ban yêu cầu đơn vị, cá nhân giải trình.

3. Chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đúng thủ tục (đối với những văn bản, tờ trình thông thường), Trưởng ban phải hoàn chỉnh hồ sơ và thủ tục trình Giám đốc, Phó Giám đốc xem xét phê duyệt. Những trường hợp thẩm tra hồ sơ, lý lịch nhân sự, chương trình kế hoạch, đề án có liên quan đến nhân sự, thời gian xử lý theo quyết định của Giám đốc.

Điều 13. Giám đốc ủy quyền cho Trưởng ban ký các văn bản

Giám đốc ủy quyền cho Trưởng ban xác nhận lý lịch công chức, viên chức trên cơ sở lý lịch gốc; ký thừa lệnh Giám đốc các văn bản mang tính hướng dẫn chuyên môn (lưu hành nội bộ Học viện), báo cáo định kỳ hàng tháng, quí, sáu tháng về công tác tổ chức, cán bộ.

Chương V

MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 14. Quản lý nhân sự của Ban

Việc quản lý nhân sự của Ban do lãnh đạo Ban trực tiếp quản lý: Trưởng ban có trách nhiệm quản lý chung, các phó trưởng ban phụ trách đơn vị nào thì trực tiếp quản lý nhân sự đơn vị đó.

1. Hàng ngày, các chuyên viên phải có mặt tại phòng làm việc đúng giờ theo qui định của Học viện.

2.  Khi có công việc cần giải quyết ngoài Học viện hoặc có việc đột xuất vắng mặt tại cơ quan phải báo cáo xin phép lãnh đạo trực tiếp xem xét giải quyết.

3. Các chuyên viên phải báo cáo trực tiếp với Phó Trưởng ban trong trường hợp vắng từ 01 buổi; trường hợp vắng 02 buổi liên tục phải báo cáo trực tiếp với Trưởng ban và thông qua Phó Trưởng ban trực tiếp phụ trách. Các Phó Trưởng ban vắng phải báo cáo xin phép Trưởng ban; Trưởng ban vắng mặt thì báo cáo xin phép Giám đốc và thông báo lại cho các Phó Trưởng ban. Các trường hợp vắng mặt tại cơ quan từ 02 ngày trở lên phải làm đơn xin phép và được Giám đốc Học viện phê duyệt.

4. Trưởng ban đi công tác ngoài phạm vi thành phố Cần Thơ từ  01 ngày trở lên phải báo cáo Ban Giám đốc Học viện (qua Văn phòng Học viện) và thông báo cho các Phó Trưởng ban biết; nếu lãnh đạo ban đi công tác từ 02 ngày trở lên phải phân công nhiệm vụ cho một đồng chí phụ trách, điều hành công việc hàng ngày.

Điều 15Soạn thảo, quản lý công văn, hồ sơ

1. Các chuyên viên phải trực tiếp soạn thảo các văn bản cần thiết về công việc chuyên môn thường xuyên hoặc theo yêu cầu đột xuất của lãnh đạo Ban. Chuyên viên làm công tác hành chính có trách nhiệm chuẩn bị các văn bản, tài liệu phục vụ các cuộc họp do lãnh đạo Ban phân công. 

2. Trước khi trình lãnh đạo Ban, chuyên viên trực tiếp soạn thảo văn bản phải chịu trách nhiệm về nội dung và kỹ thuật văn bản.

3. Khi đã được lãnh đạo Ban thông qua, thì lãnh đạo Ban phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nội dung văn bản.

a) Tất cả các văn bản được lãnh đạo Ban duyệt, chuyên viên làm công tác hành chính văn thư chuyển sang Văn phòng thẩm định (trừ các văn bản chế độ mật về công tác cán bộ) và trình Giám đốc ký.

b) Các văn bản đã được Giám đốc ký ban hành thì chuyên viên làm công tác hành chính văn thư lưu trữ, quản lý theo chế độ quản lý công văn, tài liệu của Nhà nước và Học viện quy định.

Điều 16Quy định về quản lý tài sản, thiết bị làm việc của Ban

1. Các trang bị máy móc là tài sản chung của Học viện, được Giám đốc giao quyền sử dụng từng cá nhân phải có trách nhiệm bảo quản.

2. Căn cứ vào số lượng trang thiết bị được Giám đốc giao, lãnh đạo Ban trực tiếp giao cho từng cá nhân quản lý, sử dụng. Khi có yêu cầu bổ sung, thay đổi, di chuyển cá nhân phải báo cáo lãnh đạo Ban.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Quy chế này được thực hiện thống nhất trong Ban Tổ chức – Cán bộ và các đơn vị có liên quan trong Học viện.

Điều 18. Viên chức trong Ban Tổ chức – Cán bộ được quán triệt và thực hiện tốt nội dung quy chế này; đồng thời triển khai đến các đơn vị trực thuộc Ban Giám đốc để có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điều 19. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Ban Tổ chức - Cán bộ, nếu có phát sinh, vướng mắc sẽ được xem xét bổ sung, điều chỉnh. Quy chế làm việc có hiệu lực kể từ ngày ký./.

                      GIÁM ĐỐC

                

                          (Đã ký)

                                                Nguyễn Quốc Dũng