
1. Theo quan niệm duy vật, khả năng thoả mãn nhu cầu, mục đích nào đó là nội dung của giá trị. Các tác giả giáo trình “Triết học – những tư tưởng cơ bản” quan niệm: “Giá trị là các khách thể vật chất hay tinh thần có khả năng thoả mãn những nhu cầu nào đó của con người, giai cấp, xã hội và đáp ứng những mục đích và lợi ích của họ”[1]. Một cách đơn giản, giá trị là cái mà một khách thể vật chất hay tinh thần đem đến cho một chủ thể nào đó. Với cả 3 tư cách – là một học thuyết, một phong trào và một chế độ xã hội – chủ nghĩa xã hội đem đến cho nhân loại điều gì? Điều gì ở chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa tư bản không thể có?
2. Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đưa lực lượng sản xuất phát triển liên tục. Khoa học và công nghệ đạt được những thành tựu vượt bậc. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn thay đổi căn bản nền sản xuất và cuộc sống của con người. Máy móc dần thay thế con người trong sản xuất, dịch vụ. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… giúp biến ý tưởng xây dựng những đô thị thông minh thành hiện thực. Chủ nghĩa tư bản đang trên đường đạt đến những vinh quang tưởng chừng bất tận về vật chất. Tuy nhiên, phía sau vòng nguyệt quế của nền sản xuất hùng mạnh đó là sự phân hoá giàu nghèo ngày càng khủng khiếp. Phong trào 99 chống 1 có thể là một cách nói cường điệu nhưng cũng phản ánh điểm yếu cốt tử của xã hội tư bản. Nó không đơn thuần là sự bất bình đẳng trong sở hữu mà thực chất là sự lệ thuộc của đa số dân cư vào một thiểu số dân cư. Cách đây 15 năm, năm 2007, tổng tài sản của người giàu nhất thế giới (Bill Gates) là 56 tỉ USD[2]. Bấy giờ GDP của Hoa kỳ là gần 14,5 tỉ[3] và GDP toàn cầu là 58,06 nghìn tỷ USD[4]. Theo Forbes, tính đến 15g00 ngày 15/9/2022, tổng tài sản của người giàu nhất thế giới (Elon Musk) là 272,7 tỉ USD[5]. Bill Gatees sở hữu số tài sản trị giá 106,3 tỉ, hơn gấp đôi năm 2007 nhưng chỉ đứng vị trí thứ tư. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt 104 nghìn tỉ USD theo giá trị danh nghĩa vào cuối 2022. Hoa Kỳ vẫn là đầu tàu kinh tế trên toàn thế giới, với GDP đạt 25,3 nghìn tỉ - chiếm gần một phần tư nền kinh tế toàn cầu[6]. Kết luận rút ra là: tài sản của người giàu nhất tăng gần 5 lần, trong khi GDP của quốc gia giàu nhất thế giới và GDP của toàn thế giới chỉ tăng chưa tới gấp đôi. Nói cách khác, 1% dân số trong cộng đồng ngày càng thâu tóm nhiều tài sản của xã hội hơn và vì vậy tài sản của 99% dân số còn lại thì ngày càng ít đi một cách tương đối. Trong quyển sách xuất bản năm 2011, Terry Eagleton viết: “Thu nhập của mợt tỉ phú người Mexico ngày nay tương đương với số tiền kiếm được của 17 triệu đồng bào nghèo khổ nhất của ông ta”[7]. Cách mạng công nghiệp đưa hoạt động sản xuất tiến gần tới tự động hoá hoàn toàn sẽ càng khiến cho tài sản xã hội tập trung vào 1% dân số. Đây là điều mà cho đến nay xã hội tư bản vẫn chưa có lời giải thoả đáng, ngoài một giải pháp không căn cơ là đánh thuế thu nhập thật cao để phân phối lại sản phẩm xã hội. Có những quốc gia, thuế thu nhập lên đến 70%. Nó như một cách chia sẻ lợi ích, giúp cho trong các xã hội tư bản, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và là một chỉ báo quan trọng về sức khoẻ của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự chia sẻ này không bao giờ là thực sự công bằng vì nó bị chi phối bởi sự không công bằng về điều kiện sản xuất. Trong Phê phán Cương lĩnh Gôta, C.Mác viết: “Bất kỳ một sự phân phối nào về tư liệu tiêu dùng cũng chỉ là hậu quả của sự phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất; nhưng sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một tính chất của chính ngay phương thức sản xuất”[8]. Nhà tư sản, do bóc lột và cả do những đặc quyền tự nhiên[9], mà sở hữu điều kiện vật của nền sản xuất. Trong khi đó, công nhân lại sở hữu điều kiện người của nền sản xuất (tức sức lao động). Lao động tự nó không phải là nguồn gốc của cải. Lao động kết hợp với tư liệu lao động và đối tượng lao động (cái mà C.Mác gọi là giới tự nhiên) mới là nguồn gốc của các giá trị sử dụng và vì vậy, là nguồn gốc của cải. Nói cách khác, lao động bị quyết định bởi tự nhiên. Tư liệu lao động và đối tượng lao động là điều kiện vật của nền sản xuất, với tư cách là giới tự nhiên vốn là của chung, dần dà thuộc sở hữu của tầng lớp thống trị. Vì vậy, công thức chung của các xã hội tư hữu là: “… lao động bị tự nhiên quyết định cho nên người nào không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình ra thì trong mọi trạng thái xã hội và văn hoá, đều nhất định sẽ phải làm nô lệ cho những kẻ khác nắm trong tay những điều kiện vật chất của lao động. Người đó chỉ có thể lao động và do đó chỉ có thể sinh sống, khi được những kẻ này cho phép”[10]. Đây chính là lý do người lao động bị lệ thuộc vào nhà tư bản, 99% dân số lệ thuộc vào 1% dân số. Sự lệ thuộc về kinh tế đương nhiên sẽ kéo theo sự lệ thuộc về chính trị, sự lệ thuộc trong quan hệ lao động đương nhiên sẽ kéo theo lệ thuộc trong quan hệ chính trị, phản ánh đúng quan điểm của V.I.Lênin: Chính trị là sự thể hiện tập trung của kinh tế. Do đó, muốn xoá bỏ những bất công về chính trị thì phải xoá bỏ những bất công về kinh tế.
Sự lệ thuộc nêu trên là một biểu hiện của tha hoá trong chế độ tư bản. Trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C. Mác đã phân tích ba phương diện cơ bản của tha hoá lao động. Một, tha hoá trong kết quả cuối cùng của sản xuất, tha hoá giữa người với vật, tức sự đối với lập giữa sản phẩm với người công nhân, như Mác viết: “… người công nhân sản xuất ra càng nhiều vật phẩm thì anh ta có thể chiếm hữu càng ít vật phẩm và anh ta bị sản phẩm của anh ta, tức tư bản, thống trị càng mạnh”[11]. Hai, tự tha hoá, tha hoá trong bản thân hoạt động sản xuất: lao động bị bóc lột khiến cho nó “là cái gì đó bên ngoài đối với người công nhân, không thuộc bản chất của anh ta”; trong lao động, “người công nhân không khẳng định mình mà phủ định mình”[12]. Và ba, sự tha hoá của con người với con người thể hiện trên hai mức độ. Thứ nhất, đời sống có tính loài của con người (hoạt động sinh sống có ý thức của con người) vốn là bản chất của con người chỉ còn là một phương tiện sinh sống (tức xa lạ đối với bản chất có tính loài của con người); đời sống có tính loài bị tước mất thì “đối tượng có tính loài thực sự của con người”, “thân thể vô cơ của con người” tức giới tự nhiên cũng bị tước mất[13]. Thứ hai, tha hoá lao động sản sinh ra quan hệ tư bản – lao động: “Tha hoá hoạt động của bản thân mình với mình, con người cho phép người khác chiếm hữu hoạt động không phải của người này”[14]. Đối với người công nhân, C. Mác gọi là “hoạt động tha hoá”; đối với người bóc lột, C.Mác gọi là “trạng thái tha hoá”. Từ những phân tích trên, Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 chỉ ra một “bí ẩn” của xã hội tư hữu: “… một mặt, sở hữu tư nhân là sản phẩm của lao động bị tha hoá, và mặt khác, nó là phượng tiện làm cho lao động bị tha hoá, là sự thực hiện sự tha hoá ấy”[15].
Cả ba phương diện này đều cho thấy: bản chất của chủ nghĩa tư bản là tha hoá lao động. Sự phát triển của khoa học và công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động nhưng không xoá bỏ được sự tha hoá mà khiến nó thêm trầm trọng, sâu sắc và tinh vi. Càng năng suất, người lao động càng làm giàu cho nhà tư bản, càng cho phép nhà tư bản chiếm đoạt của họ nhiều hơn. Sự phân phối này là hậu quả (chữ dùng của C.Mác) của sự phân phối những điều kiện sản xuất (tư liệu lao động, đối tượng lao động), và như đã nói, nó là tính chất của phương thức sản xuất. Chỉ có thể khắc phục nó bằng cách thay đổi ngay chính phương thức sản xuất chứ không phải bất cứ sự điều chỉnh hình thức nào.
Chủ nghĩa tư bản đang ở những năm tháng rực rỡ của nó. Tuy nhiên, mọi hào quang hiện thời của chủ nghĩa tư bản không che dấu được một sự thật lịch sử: không có chiếm đoạt thì không có chủ nghĩa tư bản cả trong quá khứ lẫn hiện tại Chiếm đoạt đẻ ra chủ nghĩa tư bản đồng thời là phương thức tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Thời gian đủ lâu để nhiều người dường như quên đi nạn buôn bán nô lệ dơ bẩn và sự xâm lược, cai trị tàn bạo của chế độ thực dân đối với các châu lục, ngoại trừ châu Âu. Thành tựu của khoa học và công nghệ đã khiến cho một chủ nghĩa tư bản chiếm đoạt và cai trị tàn bạo có vẻ như nhân hậu hơn nếu những lợi ích căn cốt của nó không bị đe doạ. Sự ra đời và phát triển của tầng lớp trung lưu không có nghĩa là những người bị bóc lột đã chuyển sang địa vị làm chủ. Eagleton viết: “… hầu như không thấy được sự khác biệt giữa công nhân dịch vụ và chế tạo nếu xét về lương, điều kiện quản lý và giám sát. Những người làm việc ở tổng đài cũng bị bóc lột giống như những người lao động cực nhọc ở mỏ than”[16]. Chủ ngân hàng hay một CEO thì cũng phải làm việc vất vả không kém người công nhân nhưng điều đó không có nghĩa địa vị của họ trong nền kinh tế như nhau và vất vả hay sở hữu những đặc quyền tự nhiên nghĩa là không bóc lột. Sự ra đời của những nhà nước phúc lợi không phải là đáp án bền vững của chủ nghĩa tư bản mà có thể là một bước chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội.
3. Chủ nghĩa xã hội ra đời trực tiếp trong lòng chủ nghĩa tư bản, với cả 3 tư cách – là một học thuyết, một phong trào, một chế độ xã hội. Chủ nghĩa xã hội không phải là phát minh của C.Mác, Ph. Ăngghen hay bất cứ ai khác. Điều này cũng giống như luật vạn vật hấp dẫn không phải là phát minh của I. Newton: nó tồn tại trong vũ trụ và nếu không có Newton, chắc chắn sẽ có một thiên tài nào đó phát hiện, trình bày với nhân loại. Newton đã phát hiện ra luật vạn vật hấp dẫn một cách tình cờ nhưng thật ra không tình cờ chút nào: cần phải có những “bậc thang” nhất định về khoa học và thực tiễn để nhân loại từng bước tiếp cận, không sớm hơn và cũng không muộn hơn. Chủ nghĩa xã hội – với tư cách là một chế độ xã hội bình đẳng, no ấm - là mơ ước từ xa xưa của các xã hội. Mơ ước này xuất phát từ việc xã hội chia làm hai loại người: số ít thống trị thì nắm quyền lực, cai trị xã hội, sống giàu có trên mồ hôi và nước mắt của số đông bị trị khốn khó. Đến thời chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của lực lượng sản xuất và của các ngành khoa học đã giúp lý thuyết về chủ nghĩa xã hội có bước tiến vượt bậc, nhất là giải mã được cơ chế bóc lột của chủ nghĩa tư bản và tìm ra lực lượng xã hội để làm cuộc cách mạng thay đổi chủ nghĩa tư bản. C.Mác và Ph. Ăgghen đã xuất hiện để làm công việc phát hiện và trình bày với nhân loại về một xã hội tương lai thay thế chủ nghĩa tư bản.
Giá trị của chủ nghĩa xã hội chính là ở chỗ nó giải quyết những hạn chế nội tại bản chất không gì có thể khắc phục được của chủ nghĩa tư bản, hay nói đúng hơn, nếu khắc phục được thì nó không còn là chủ nghĩa tư bản. Nhiều người nói C.Mác là người làm thuê cho chủ nghĩa tư bản: chính chủ nghĩa Mác là sự phê phán triệt để nhất, nghiêm khắc nhất, khoa học nhất và toàn diện nhất đối với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội vừa là nỗi ám ảnh, nỗi kinh hoàng đồng thời cũng là bài học để chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh. Mỗi thành tựu, thậm chí thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội dường như là một lời cảnh tỉnh, một cơ hội để chủ nghĩa tư bản thay đổi. Vì vậy mà tư tưởng xã hội chủ nghĩa tồn tại khắp nơi, từ châu Á đến châu Mỹ. Sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường lẽ nào chỉ là kết quả của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mà không hề có sự gợi ý từ nền kinh tế chỉ huy? Một số người vì thiên kiến hẹp hòi hay không đủ hiểu biết mà cho rằng đó là do sự cởi mở, tính chất tự do của chủ nghĩa tư bản mà không hề nghĩ đến những tiến bộ có giá trị khắc tinh của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn ở nước Nhật, kinh tế học chia thành hai lĩnh vực. Bên cạnh kinh tế học cận đại hay kinh tế học tư sản (đọc theo âm Nhật là keidaigaku – gọi tắt là Kinkei), một số đại học vẫn giảng dạy kinh tế học Mác xít (gọi tắt là Marukei)[17]. Những năm sau Thế chiến thứ II, để thực hiện kế hoạch ưu tiên sản xuất than và thép của Nhật, nhà kinh tế học Mác xít Arisawa Hiromi (1896-1988)[18] – người chịu nhiều ảnh hưởng của chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lênin đã chủ trương nền kinh tế kế hoạch: để tập trung sản xuất than đá nhằm phục hồi nền kinh tế, “… cần kế hoạch và tổ chức. Liên Xô đã từng hoán chuyển một cách anh hùng chủ nghĩa cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới (NEP). Chúng ta cũng cần NEP, nhưng với ý nghĩa ngược lại với trường hợp của Liên Xô”[19]. Hay như GS Ouchi Hyoe (1888-1980), một nhà kinh tế Mác xít tiêu biểu của Đại học Tokyo, từng được mời giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản (1946).
Ludwig von Mises (1881-1973) - nhà tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội người Áo, thầy của Friedrich Hayek - mô tả chủ nghĩa xã hội là “phong trào cải cách mạnh mẽ nhất mà lịch sử đã từng chứng kiến, khuynh hướng tư tưởng đầu tiên không chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhân loại mà được ủng hộ bởi người dân đủ mọi sắc tộc, quốc gia, tín ngưỡng và nền văn minh”[20]. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, giai cấp công nhân trên thế giới dường như đã ít đổ máu hơn. Có xuyên tạc lịch sử đến mấy đi nữa thì không ai có thể làm cho dù chỉ một phần trăm trong tổng số 27 triệu người Liên Xô chết trong Chiến tranh Thế giới thứ II sống lại, ngay cả trên ghi chép. Nếu lập luận như L.v. Mises “chủ nghĩa tư bản, dựa trên sự phân công lao động, là hệ thống tổ chức xã hội khả thi duy nhất” thì hơn 30 năm Liên bang Xô viết sụp đổ, chưa quốc gia nào trong số 15 nước cộng hoà trước đây giàu có về kinh tế và ổn định hơn về chính trị. Ấn Độ, một nền kinh tế đầy tham vọng ở châu Á, cho đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng khủng khiếp của phân hoá giàu nghèo. Và còn vô vàn dẫn chứng khác. Sự phát triển của khoa học và công nghệ cho thấy, dường như những mơ ước của C.Mác về một nền sản xuất phát triển, công nhân không còn nô dịch vào sự phân công lao động đã thấp thoáng ở đâu đó: “… khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, năng suất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào - chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của cái quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!”[21].
Đôi khi đối với một số người ở Việt Nam, thật kỳ lạ, chỉ cần xuất hiện một vài quyển sách đã rất cũ, thậm chí bị lãng quên, kiểu như Đường về nô lệ (1944) của F.A. Hayek hay Trại súc vật (1945) của George Orwell thì lý thuyết về chủ nghĩa xã hội xem như thất bại toàn tập. Như một cú nốc ao kết thúc trận đấu! Người ta quên rằng, chẳng hạn, có lúc George Orwell cũng từng nói tác phẩm của ông không ám chỉ bất cứ quốc gia hoặc hệ thống chính trị cụ thể nào. Các sự kiện và nhân vật trong Trại súc vật có thể xảy ra ở bất cứ một quốc gia nào, trong bất cứ một giai đoạn nào trong quá khứ; bởi sự ham muốn quyền lực, tham nhũng hoặc sự khờ dại là đặc điểm chung của phần lớn con người. Dường như lịch sử tư tưởng nhân loại chưa có một cú nốc ao nào như thế!
Có thể nói, với tư cách một học thuyết, chủ nghĩa xã hội chí ít cũng đã khiến cho chủ nghĩa tư bản trở nên tiến bộ hơn bằng sự phê phán nghiêm khắc và toàn diện của mình. Với tư cách một phong trào, chủ nghĩa xã hội chí ít cũng đã buộc chủ nghĩa tư bản trở nên tử tế hơn trong đối xử với lao động. Và với tư cách một chế độ xã hội, chủ nghĩa xã hội chí ít khiến cho thế giới có thể tiếp tục giấc mơ về một xã hội công bằng, bình đẳng, xoá bỏ tha hoá lao động. Đối với đất nước Việt Nam, chủ nghĩa xã hội đã đem đến độc lập, tự do. Những người cộng sản sẵn sàng bước lên máy chém, hiên ngang ra trước pháp trường cho mục tiêu độc lập dân tộc và một xã hội không có người bóc lột người. Niềm tin sắt đá vào tương lai dân tộc và lý tưởng cộng sản đã khiến họ không lùi bước trước tù đày hay chết chóc, không khuất phục trước bạo tàn, man rợ. Lãng quên sự hi sinh của họ là vừa không có trái tim vừa không có lý trí. Và đối với Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”[22], “Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”[23]. Đó chính là giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội.
TS. Phan Công Khanh
Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV
[1] Triết học – những tư tưởng cơ bản, Mátxcơva, 1990 (tiếng Nga), tr. 334.
[4] Wikipedia, ngày 10/11/2022
[7] Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Đinh Xuân Hà và Phương Sơn dịch, Nxb. Lý luận chính trị, tái bàn lần thứ II, H.2018, tr.35
[8] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 19, tr.36-37
[9] Năng khiếu cá nhân, năng lực của người lao động do các đặc điểm tự nhiên. Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 19, tr.35
[10] C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 19, tr.27
[11] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, tập 42, tr.129
[12] C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 42, tr.132
[13] Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 42, tr.137-138
[14] C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 42, tr.141
[15] C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 42, tr.142
[16] Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Đinh Xuân Hà và Phương Sơn dịch, Nxb. Lý luận chính trị, tái bàn lần thứ II, H.2018, tr.214
[17] Xem: Trần Văn Thọ: Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kì 1955-1973, Nxb. Đà Nẵng, 2021, tr.56
[18] GS Arisawa Hiromi từng làm Tổng cục trưởng Tổng cục Ổn định kinh tế Nhật Bản.
[19] Dẫn theo Trần Văn Thọ: Sđd, tr.30
[20] Dẫn theo Eagleton: Sđd, tr.24
[21] C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 19, tr.36
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2011, tập 10, tr.390
[23] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 10, tr.593