Sign In
Trang chủ
Lên đầu trang

Hội thảo khoa học: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông cửu Long trong giai đoạn hiện nay”

  15:42 19/11/2024

Ngày 15/11/2024, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay”.

Tham dự Hội thảo có GS,TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; NGƯT, TS Huỳnh Thanh Quang - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; TS Nguyễn Thị Minh Trang - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; TS Đỗ Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; và các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị, Viện nghiên cứu, Trường đại học các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Học viện Chính trị khu vực IV.

Phiên thứ nhất Hội thảo khoa học: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng  bằng sông cửu Long trong giai đoạn hiện nay”

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, đồng thời góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trong tình hình mới. Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ, sâu sắc hơn những nội dung quan trọng: (1) Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay; (2) Phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long; (3) Phân tích bối cảnh, các yếu tố tác động đến việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; (4) Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long; (5) Đề xuất quan điểm, định hướng giải pháp và các kiến nghị nhằm thúc đẩy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.

Hội thảo đã tiếp nhận 44 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí cán bộ thực tiễn tại các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang các tỉnh/thành Tây Nam Bộ, các nhà khoa học từ các trường đại học, học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khái quát một số vấn đề cần mà Hội thảo cần tập trung: Vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay; Cơ sở lý luận và thực tiễn về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long; Bối cảnh, các yếu tố tác động đến việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những tác động của các vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống đến quyền con người, đảm bảo quyền con người, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước...; Thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phiên thứ hai Hội thảo khoa học: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng  bằng sông cửu Long trong giai đoạn hiện nay”

Hội thảo diễn ra gồm 02 phiên: Phiên thứ nhất, với sự chủ trì và điều hành của GS,TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; NGƯT,TS Huỳnh Thanh Quang - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; TS Nguyễn Thị Minh Trang - Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; TS Đỗ Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Với 03 tham luận được trình bày với các nội dung: Thứ nhất, Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và những giá trị lý luận, thực tiễn trong bối cảnh hiện nay; Thứ hai, Những thách thức trong việc đảm bảo quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay - tiếp cận từ góc độ an sinh xã hội; và phần phát biểu trực tiếp thảo luận thêm các nội dung xoay quanh các vấn đề do các diễn giả trình bày. Phiên thứ hai, phần thảo luận bàn tròn với các diễn giả gồm ThS Dương Văn Thạnh - Hiệu trưởng Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu; ThS Nguyễn Thanh Sang - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Cần Thơ; PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Triết học và Chính trị học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS Hồ Thanh Hớn - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực IV; TS Nguyễn Lan Hương - Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Cần Thơ. Điều phối viên cho phiên thảo luận do ThS Đoàn Trung Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Đặc trách Văn phòng 35 Học viện Chính trị khu vực IV. Nội dung phiên thảo luận bàn tròn trao đổi xoay quanh các vấn đề thực trạng và giải pháp đảm bảo quyền con người ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu phát biểu tham luận Hội thảo khoa học: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng  bằng sông cửu Long trong giai đoạn hiện nay”

Tổng kết Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thứ nhất, những vấn đề lý luận và kinh nghiệm. Hội thảo trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản về đảm bảo quyền con người, trong đó có các quan điểm của hệ thống luật nhân quyền quốc tế, các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền con người; Thứ hai, thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đang đặt ra với việc đảm bảo quyền con người trong bối cảnh mới. Việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam nói chung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống của đại bộ phận nhân dân được đảm bảo. Tuy nhiên việc đảm bảo quyền con người đặc biệt quyền của nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và quyền của nhóm người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; Thứ ba, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền con người. Hội thảo nhấn mạnh rằng, để nâng cao hiệu quả việc đảm bảo quyền con người cần có sự phối kết hợp của nhiều tổ chức, cơ quan, ban ngành trong triển khai chính sách pháp luật.

Các ý kiến phát biểu của đại biểu, nhà khoa học đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học, phân tích, đánh giá sâu về những vấn đề trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, qua đó đề xuất quan điểm, định hướng giải pháp và các kiến nghị nhằm thúc đẩy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.

Tin và ảnh: Kim Trúc - Duy Chiến

 

Tag:

Alternate Text