Một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời (21/6/1925–21/6/2025), song ý nghĩa lịch sử và giá trị tư tưởng của tổ chức này vẫn luôn tỏa sáng trong dòng chảy cách mạng dân tộc. Hội chính là cột mốc quan trọng mở đầu cho sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, là tổ chức đặt nền móng lý luận, tổ chức và lực lượng cho phong trào cách mạng thanh niên Việt Nam.

Từ khủng hoảng đường lối đến sự ra đời của Hội – sứ mệnh lịch sử mang tầm thời đại
Đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh dân tộc ta chìm trong ách thống trị thực dân, phong trào yêu nước tuy sục sôi nhưng lại thiếu một hệ tư tưởng khoa học và lực lượng lãnh đạo tiến bộ dẫn đường. Các cuộc vận động như Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Thế… dù đầy nhiệt huyết nhưng đã lần lượt thất bại bởi sự thiếu vắng một con đường cách mạng phù hợp.
Chính trong thời khắc lịch sử ấy, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và trải nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng quốc tế đã khẳng định một chân lý mang tính chỉ đạo: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.”[1] Với niềm tin sắt son vào lý tưởng ấy, Người đã chủ động tổ chức, giác ngộ và đào tạo lực lượng nòng cốt, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên – lực lượng xã hội giàu nhiệt huyết, trí tuệ và khát vọng dấn thân.
Sự thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – bước đột phá về tổ chức và lý luận
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc cùng một số thanh niên tiên tiến đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên do Người trực tiếp lãnh đạo, với ba nhiệm vụ chiến lược: Tuyên truyền lý luận cách mạng, tổ chức lực lượng yêu nước và đào tạo cán bộ cách mạng. Ngay từ đầu, Hội đã kiên định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, coi việc giáo dục lý luận và bồi dưỡng bản lĩnh chính trị là nhiệm vụ cốt lõi.
Thông qua các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Hội đã đào tạo đội ngũ cán bộ ưu tú cho cách mạng Việt Nam như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Bên cạnh đó, báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh đã trở thành công cụ lý luận sắc bén, góp phần truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước, khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc trong hàng ngũ thanh niên.
Từ tổ chức hội tới sự hình thành Đảng – bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam
Nhận thức được rằng để cuộc cách mạng của dân tộc giành được thắng lợi triệt để, phong trào cách mạng cần có một chính đảng tiên phong, năm 1929, từ nội bộ Hội đã lần lượt ra đời ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đây là bước chuẩn bị quyết định dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 do chính Nguyễn Ái Quốc chủ trì hợp nhất.
Sự xuất hiện của Đảng đánh dấu sự trưởng thành toàn diện của phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời khép lại vai trò độc lập của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy nhiên, dấu ấn của Hội không hề phai nhòa, mà được tiếp nối mạnh mẽ trong các tổ chức thanh niên do Đảng lãnh đạo như Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931), Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Đoàn Thanh niên Lao động và hiện nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Di sản cách mạng: Tinh thần của Hội trong hành trình thanh niên hôm nay
Một thế kỷ đã qua, tinh thần cách mạng của Hội vẫn hiện diện sống động trong hành trình phát triển của thanh niên Việt Nam. Đó là tinh thần tiên phong, xung kích, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dân tộc. Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa, thanh niên Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò chủ thể kiến tạo tương lai.
Từ các phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tình nguyện vì cộng đồng”, đến những mô hình đổi mới trong công nghệ, nông nghiệp xanh, y tế thông minh, giáo dục mở... dấu ấn của thanh niên đã và đang lan tỏa rộng khắp. Không chỉ trong nước, hàng nghìn thanh niên đang học tập, làm việc ở nước ngoài với khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, chứng minh rằng tinh thần “học để làm cách mạng” mà Nguyễn Ái Quốc từng dạy vẫn mang ý nghĩa thời đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh của thế giới hiện nay, với những thách thức như vấn đề môi trường, bất bình đẳng xã hội, chiến tranh thông tin, thanh niên Việt Nam không chỉ là lực lượng phát triển kinh tế – xã hội, mà còn là thành trì vững chắc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, gìn giữ bản sắc văn hóa và giá trị cốt lõi của dân tộc.
Tiếp nối và phát huy – trách nhiệm lịch sử của thế hệ trẻ
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng tự hào, thực tiễn cũng đặt ra không ít thách thức: một bộ phận thanh niên còn mơ hồ lý tưởng, thờ ơ với chính trị, lệch hướng giá trị, chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng cá nhân. Đây là cảnh báo nghiêm túc, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần cách mạng, khát vọng cống hiến và bản lĩnh dân tộc trong thế hệ trẻ.
Giải pháp căn cốt chính là trở lại với tinh thần của Hội năm xưa, thông qua giáo dục lý tưởng sống, xây dựng môi trường khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời, và tạo điều kiện để thanh niên “vừa phát triển bản thân, vừa phụng sự đất nước”.
Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ là dịp ôn lại lịch sử vẻ vang, mà còn là thời điểm để khẳng định trách nhiệm tiếp nối. Một thế kỷ trước, Hội đã khơi nguồn lý tưởng cách mạng; một thế kỷ sau, lý tưởng ấy cần được thổi bùng trong hành động, trong trí tuệ, trong cống hiến sáng tạo của lớp trẻ hôm nay.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do thanh niên.” Lịch sử đã chứng minh điều đó. Và tương lai vẫn đang chờ thanh niên Việt Nam khẳng định vai trò xứng đáng là lực lượng tiên phong, trung kiên trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.12, tr.30.