Sign In
Trang chủ
Lên đầu trang

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hoà Hi Lạp

  14:15 25/05/2024

Sáng ngày 24/5/2024, tại trụ sở Đảng Cộng sản Hi Lạp ở thành phố Athens, ông  Marinos Giorgos - Phó Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hi Lạp đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do GS,TS Lê Văn Lợi làm Trưởng đoàn.

Hai bên đã trao đổi thông tin về hoạt động của hai Đảng trong thời gian qua, những thành tựu về kinh tế - xã hội của hai nước và các lĩnh vực có thể hợp tác.

Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại trụ sở Đảng Cộng sản Hi Lạp ở thành phố Athens

Đảng Cộng sản Hi Lạp (KKE) được thành lập ngày 17/11/1918. Hơn 100 năm qua, cùng với lịch sử Hi Lạp và châu Âu hiện đại, Đảng có một lịch sử đấu tranh kiên cường và bền bỉ cho mục tiêu giải phóng dân tộc, hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trong chiến tranh thế giới II, Đảngsáng kiến thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc (9/1941) và Quân đội giải phóng dân tộc (12/1941) để tiến hành kháng chiến chống sự xâm lược của phát xít Italia. Chiến tranh kết thúc, năm 1946, Hi Lạp rơi vào cuộc nội chiến khốc liệt. Các lực lượng cách mạng mà nòng cốt là Đảng Cộng sản rút về các vùng rừng núi để chiến đấu. Tháng 12/1947, chính quyền tư sản thi hành chính sách chống cộng tàn bạo. Gần 40 nghìn chiến sĩ cộng sản bị giam cầm hoặc bị thủ tiêu, hàng chục nghìn người phải sống lưu vong. Từ 1967-1974, sau đảo chính, tập đoàn quân sự độc tài lên nắm chính quyền và trục xuất những người cộng sản, Đảng phải hoạt động bí mật. Trong bối cảnh sống còn đó, Đảng luôn thể hiện bản lĩnh và kiên cường vượt qua mọi thử thách. Hiện Đảng giữ 25 ghế trong Nghị viện Hi Lạp và 2 ghế trong Nghị viện châu Âu. Đảng Cộng sản Hi Lạp có nhiều sáng kiến đóng góp vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tháng 5/1998, tại Athens đã diễn ra cuộc gặp gỡ của các đảng cộng sản và công nhân do Đảng Cộng sản Hi Lạp đăng cai với sự tham gia của 57 đoàn đại biểu. Năm 1999, theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Hi Lạp, Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hi Lạp.

Ông  Marinos Giorgos cho biết, hiện tại Đảng vẫn kiên trì đấu tranh cho lợi ích của công nhân, người lao động Hi Lạp. Ông cũng bày tỏ quan ngại về những vấn đề toàn cầu như chiến tranh, nghèo đói, nạn khủng bố, diệt chủng, cạnh tranh giữa các nước lớn v.v. Ông khẳng định: mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Hi Lạp là chủ nghĩa xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS,TS Lê Văn Lợi thông tin những thành tựu của đổi mới ở Việt Nam, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ngoại giao đa phương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, v.v. Giáo sư cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động. Giáo sư chúc Đảng Cộng sản Hi Lạp tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công. Hai bên đều rất xúc động khi Giáo sư Lê Văn Lợi nhắc đến Anh hùng Lực lượng vũ trang Kostas Nguyễn Văn Lập, công dân Hi Lạp, người đã tham gia Mặt trận Việt Minh giữa năm 1946, lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Pháp, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954 và trong việc phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hi Lạp. Cả hai bên đều mong muốn có nhiều hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí ấm áp tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Kết thúc buổi gặp GS,TS Lê Văn Lợi đã tặng cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới, phát triển đất nước” (2023) của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho ông Marinos Giorgos.

Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Đại sứ Lê Hồng Trường

Cùng ngày, đoàn công tác có buổi gặp đồng chí Lê Hồng Trường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Hi Lạp, kiêm nhiệm Cộng hòa Albania. Đai sứ thông tin về hoạt động của Đại sứ quán tại Hi Lạp, những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước, v.v. Việt Nam và Hi Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, đều đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhân dân Hi Lạp và Đảng Cộng sản Hi Lạp từng tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Hi Lạp là một trong những nước EU phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Chính phủ Hi Lạp mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Trao đổi với Đại sứ và cán bộ của Đại sứ quán, GS,TS Lê Văn Lợi thông tin những thành tựu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời gian qua, các hoạt động của đoàn trong thời gian ở Hi Lạp. Giáo sư chúc Đại sứ tiếp tục có thêm nhiều thành tựu, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hi Lạp.

Tag:

Tin và ảnh: K.V.

Alternate Text