Sign In
Trang chủ
Lên đầu trang

TỌA ĐÀM KHOA HỌC “THI ĐUA, KHEN THƯỞNG – ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN”

  15:00 17/05/2024

Sáng ngày 16 tháng 05 năm 2024, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khao học “Thi đua, khen thưởng – Động lực phát triển”. 

Tọa đàm khao học “Thi đua, khen thưởng – Động lực phát triển”

Chủ trì Tọa đàm gồm: PGS,TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; PGS,TS Nguyễn Xuân Phong - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV.

Chủ trì Tọa đàm: Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm; PGS,TS Nguyễn Xuân Phong (từ trái qua)

Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo các Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Châu Văn Đặng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ và Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ. Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Đảng ủy thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhà nghiên cứu Học viện Chính trị khu vực IV.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sinh thời, khi bàn về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Người chỉ rõ: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào”. Điều đó có nghĩa là thi đua phải diễn ra thường xuyên, liên tục, phải đa dạng đối tượng tham gia phong trào thi đua và lĩnh vực thi đua để cùng hướng đến mục tiêu giải phóng đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

PGS,TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Để Tọa đàm đạt được kết quả tốt đẹp, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm đã trân trọng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính như: Trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức các phong trào thi đua, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị khen thưởng. Công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến và thực hiện chính sách khen thưởng.  Văn hóa trong thi đua, khen thưởng. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng….

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đặc biệt là các tham luận của các đại biểu đến từ Trường Chính trị Đồng Tháp, Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ và Học viện Chính trị khu vực IV đã cho chia sẻ những kinh nghiệm và các giải pháp hiệu quả trong công tác thi đua của đơn vị mình.

ThS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Đồng Tháp phát biểu tọa đàm

Đồng chí: Hồ Lâm Bạch Vân - Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ phát biểu tọa đàm

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát đánh giá cao sự trao đổi thẳng thắn của các đại biểu về các vấn đề phát huy trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức các phong trào thi đua; về công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động thi đua, khen thưởng; về hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động thi đua, khen thưởng… và đặc biệt là các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng báo cáo chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng hệ trung cấp lý luận chính trị. Cũng từ các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm hôm nay, chúng ta sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào và thực hiện chính sách khen thưởng; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gắn với công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.           

Tag:

Tin và ảnh: Duy Chiến.

Alternate Text