Sign In
Trang chủ
Lên đầu trang

TINH THẦN NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 1974 BẤT DIỆT

  14:00 28/05/2024

Cách đây 50 năm, tại tỉnh Kiên Giang đã diễn ra cuộc biểu tình đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn không được bắt sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đi quân dịch và bắn phá chùa. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, bọn ngụy quyền đã nổ súng làm cho 04 vị sư hy sinh (Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom) và nhiều người khác bị thương. Nhằm ghi nhận sự anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngày 29/9/1990, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 993/QĐ-BT, công nhận Tháp 04 sư liệt sĩ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bài viết khái quát diễn biến của cuộc biểu tình đấu tranh như sau:

         

Ngày 27/5/2024 - Khoa Dân tộc và Tôn giáo đến nghiên cứu thực tế tại Tháp 04 vị sư liệt sĩ   

                     

Ngày 05/6/1974, Cảnh sát dã chiến của chính quyền Sài Gòn ngang nhiên vây bắt thêm 10 vị sư đang dự lễ tang của Hòa thượng Danh Con, Trụ trì chùa KhLang Mương (một nhà sư yêu nước, có nhiều đóng góp cho kháng chiến) đưa về Trung tâm huấn luyện ở Minh Lương (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nhằm bổ sung khẩn cấp cho các mặt trận bị quân đội giải phóng bao vây. Căm phẫn trước hành động bạo lực này, ngày 07/6/1974, có hơn 200 vị sư và 100 Phật tử từ các chùa Cù Là Cũ, Khlang Ông, Khlang Mương, Cù Là Mới... tập trung về chùa Khlang Ông, tạo thành đoàn tấn công vào trụ sở của Hội đồng xã Minh Hòa để phản đối và đề nghị chính quyền giải quyết về hành động xúc phạm đối với các vị sư sãi nhưng không nhượng bộ nên đã dẫn đến cuộc biểu tình lớn vào ngày 10/6/1974, có hơn 4.000 đồng bào Kinh, Khmer; trong đó khoảng 600 vị tham gia kéo đến thị trấn Rạch Sỏi và thị xã Rạch Giá.

Tuy nhiên, khi cuộc biểu tình kéo đến Rạch Sỏi thì bị địch đàn áp, bắn chết 04 vị sư và 12 vị khác bị thương; trước hành động của bọn ngụy quyền, đồng bào Kinh, Khmer, trong đó có cả gia đình binh sĩ ngụy đã mang theo gậy gộc đánh chết 01 cảnh sát ngụy, làm bị thương trưởng chi cảnh sát và 02 cảnh sát khác. Đặc biệt, địch đã dùng thủ đoạn cho chuyển thi thể 04 vị sư bị chúng bắn chết về bệnh viện tỉnh, lột cà sa vu khống là “Việt cộng”; việc làm này không qua mặt quần chúng nên cuộc đấu tranh đòi trừng trị bọn giết người vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi chính quyền Sài Gòn chịu trả thi thể của 04 vị sư thì mới giảm bớt căng thẳng. Lễ an táng 04 vị được tiến hành trọng thể tại chùa Cù Là Cũ kéo dài đến 17 giờ 30 phút, ngày 17/6/1974; có hơn 1.000 vị sư và đồng bào Khmer đến viếng; sau đó, các chùa Khmer ở vùng Tây Nam Bộ cũng đồng loạt tổ chức lễ cầu siêu nhằm vạch tội ác của Ngụy quân - Ngụy quyền và chính quyền Sài Gòn. 

Từ phong trào ngày 10/6/1974 tại tỉnh Kiên Giang đã tác động đến các tỉnh trong vùng liên tục diễn ra các phong trào đấu tranh ác liệt góp phần cùng với Chiến dịch Hồ Chí Minh làm cho Chính phủ “Việt Nam Cộng hòa” phải chịu thất bại từ chiến trận này đến chiến dịch khác. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, để ghi công và tưởng nhớ tấm gương anh dũng hy sinh của 04 vị sư và đồng bào Khmer; Nhà nước đã công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 04 vị sư gồm: Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hom và Danh Hoi. Thực hiện chính sách người có công với cách mạng, hiện nay các gia đình của 04 vị sư liệt sĩ đã được hưởng các chính sách hiện hành. Đến ngày 20/9/1990, tháp 04 vị sư liệt sĩ được Bộ Văn Hóa - Thông Tin công nhận di tích Văn hóa - Lịch Sử cấp quốc gia theo quyết định số 993/QĐ-BT và đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào về truyền thống đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước của đồng bào Khmer và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Ngày 27/5/2024 - Khoa Dân tộc và Tôn giáo đến nghiên cứu thực tế tại chùa Thôn Dôn (khu phố 6, phường An Hòa, Tp. Rạch giá, tỉnh Kiên Giang, nơi có ảnh thờ 04 vị sư liệt sĩ)   

Hàng năm cứ vào ngày 10/6 dương lịch đồng bào Khmer, đồng bào Kinh, Hoa, các vị Tăng, Ni, Phật tử và các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đến đây làm lễ dâng hương cầu siêu tưởng nhớ 04 vị sư liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Song song đó, vào dịp Tết cổ truyền, lễ Sene Đôn Ta, các ngày lễ lớn, các chùa Khmer có tổ chức đoàn đưa Sư sãi và Phật tử đến dâng hương tại Tháp 04 vị sư liệt sĩ. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đến các thế hệ. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối, Sư sãi và Phật tử Khmer tỉnh Kiên Giang tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, nâng cao đời sống, thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tag:

Tổng biên tập

Alternate Text