Sign In
Trang chủ
Lên đầu trang

Hội thảo khoa học: “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ”

  05:42 05/11/2024

Chiều ngày 01/11/2024, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực IV và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ”.

 

Hội thảo khoa học: “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ”

Tham dự Hội thảo có Đồng chí Sơn Phước Hoan, Nguyên thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm ủy ban dân tộc; TS. Phan Công Khanh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS.TS. Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS. Phú Văn Hẳn, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân tộc, Sở Khoa học Công nghệ, Trường Chính trị các tỉnh/thành khu vực Tây Nam Bộ, trường Đại học Cần Thơ và Học viện Chính trị khu vực IV.

TS. Phan Công Khanh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận để có thêm các tiếp cận đa chiều và đưa ra các giải pháp cho định hình và phát huy ngày càng tốt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong các dân tộc vùng Tây Nam Bộ nói riêng và hoạt động triển khai kinh tế - xã hội nói chung. Hội thảo là cơ sở xây dựng khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, Ban, Bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ. Hội thảo tập trung vào 03 nội dung chính gồm: Thứ nhất, các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ. Trong đó có vấn đề thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho Vùng Tây Nam Bộ hiện nay; Thứ hai, các vấn đề thực tiễn. Đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của hệ thống chính trị cơ sở trong tương quan với công tác dân tộc và những vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đặc biệt là các vấn đề mới đối với công tác dân tộc trong giai đoạn cách mạng 4.0, chuyển đổi số, kinh tế xanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sáng tạo trong giai đoạn mới; Thứ ba, đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách. Dự báo xu hướng; xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp để hoàn thiện thể chế phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.

 

PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã nghe phát biểu đề dẫn của PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ khái quát cơ bản về đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ (vùng đồng bằng sông Cửu Long), với 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó có khoảng 1,5 triệu ha trồng lúa, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, và là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; vùng là nơi có 04 cộng đồng dân tộc sinh sống là Kinh, Chăm, Khơme và Hoa, với 1,3 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Khơme. Trong các năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, có nhiều chính sách được đưa ra đã đạt hiệu quả bước đầu, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng, do là nơi trực tiếp tương tác thường xuyên với người dân và là nơi tổ chức thực hiện, thực thi chính sách, giúp đưa chính sách vào cuộc sống. Ngoài ra, Tây Nam Bộ là vùng còn tiềm ẩn những khó khăn thách thức đối với an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều diễn giả tham gia viết bài, qua đó Ban Tổ chức lựa chọn được 18 bài có chất lượng phù hợp với chủ đề in kỷ yếu và lựa chọn 03 diễn giả trình bày tại Hội thảo, các nội dung tham luận cơ bản làm sáng tỏ và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.

 

Phiên thứ hai

Hội thảo diễn ra gồm 02 phiên: Phiên thứ nhất, dưới sự chủ trì và điều hành của: TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; PGS. TS. Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; TS. Chu Văn Hưởng, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Kiên Giang; ThS. Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng. Với phần trình bày 03 tham luận: 1) Vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ hiện nay; 2) Vai trò của hộ thống chính trị cơ sở trong công tác đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ; 3) Chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận vùng ĐBSCL: Thực trạng và giải pháp; và phần phát biểu trực tiếp để thảo luận các nội dung do các diễn giả trình bày; Phiên thứ hai, phần thảo luận bàn tròn với các diễn giả gồm Đồng chí Sơn Phước Hoan, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Triết học và Chính trị học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh; PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ; TS. Hà Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực IV, điều phối cho phiên thảo luận là ThS. Hồ Thị Cẩm Linh, Phó Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực IV, trao đổi xoay quanh các vấn đề thực tiễn góp phần làm sáng tỏ nội dung liên quan đến việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.

Tổng kết Hội thảo, TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV tóm tắt các nội dung trọng tâm đã trao đổi và thảo luận gồm khái quát vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội của cả nước, hiện có 03 dân tộc thiểu số chủ yếu đang sinh sống là Khơme, Hoa, Chăm, trong đó số lượng dân tộc thiểu số đông nhất là dân tộc Khơme; vai trò chủ yếu của hệ thống chính trị cơ sở là đảm bảo bình đẳng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; Bên cạnh đó, có những hạn chế như về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số với tỉ lệ chưa tương xứng; thể chế chưa bao quát được vấn đề đặt ra đối với sự phát triển bền vùng đồng bào dân tộc; đối với nhận thức về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, vùng đất; về đầu tư cho nguồn lực như đầu tư chính sách cụ thể đối với cán bộ người dân tộc, về công tác đánh giá cán bộ là người dân tộc còn lúng túng; chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa của người dân tộc hiện chỉ dừng lại ở việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết,… Các ý kiến phát biểu của đại biểu, nhà khoa học đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học, phân tích, đánh giá sâu về công tác dân tộc của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng, góp phần cho Đảng, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dân tộc thời gian tới. Học viện sẽ chắt lọc các ý kiến góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

 

Tin và ảnh: Kim Trúc - Duy Chiến

 

 

Tag:

Alternate Text