Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ - Việt Nam, có trung tâm hành chính cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 100 km theo đường Quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Trên địa bàn tỉnhcó 21 dân tộc thiểu số với khoảng 5.551 hộ, 20.415 nhân khẩu, chiếm khoảng 1,73% dân số, đồng bào dân tộc chủ yếu sống tập trung tại các vùng biên giới. Toàn tỉnh có 08 tôn giáo (Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Phật giáo Hòa Hảo, Baha'i), với 846.473 tín đồ, chiếm khoảng 70,8% dân số toàn tỉnh, trong đó có 2.079 chức sắc, 8.698 chức việc và 311 nhà tu hành. Hiện nay, có 386 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, 07 cơ sở bảo trợ có liên quan đến tôn giáo. Với tỷ lệ khoảng 70,8% tín đồ theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (cả nước 27%) cho thấy: Đây không chỉ là vấn đề nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân mà còn là vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội và chính trị đối với một địa phương có đường biên giới đất liền tiếp giáp với Vương quốc Campuchia.

Ngày 09/6/2025, Đoàn nghiên cứu thực tế của Khoa Dân tộc và Tôn giáo do NGƯT, TS Huỳnh Thanh Quang làm trưởng đoàn tặng quà lưu niệm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh (ông Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tiếp nhận)
Trong lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách tôn giáo và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào tôn giáo; hướng dẫn, triển khai, thực hiện tốt công tác tôn giáo với tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; quan tâm phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, trong năm 2024, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp cho công tác an sinh xã hội được khoảng 34 tỷ đồng (Cao Đài 6,3 tỷ; Phật giáo 22 tỷ; Công giáo 05 tỷ, Tin lành gần 100 triệu…); vận động 424 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đăng ký tham gia xây dựng “Cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh”; vận động các tổ chức tôn giáo và đồng bào dân tộc hưởng ứng tham gia xây dựng, duy trì, thực hiện được 77 mô hình trong dân tộc, tôn giáo đạt hiệu quả (12 mô hình trong dân tộc, 65 mô hình trong tôn giáo), góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình thi đua của khối về “Phát huy vai trò của Ban Cai Quản Họ đạo Cao Đài trong công tác tuyên truyền, vận động tỉn đồ chấp hành pháp luật và tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương” tại Họ đạo xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu được số lượng, quy mô hoạt động tôn giáo trái pháp luật của nhóm ly khai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng kể, thể hiện rõ tính tôn trọng, bình đẳng, đoàn kết giữa các tôn giáo; tạo được sự đồng tình, phấn khởi trong các tôn giáo và các tầng lớp Nhân dân, qua nghiên cứu thực tế tại tỉnh Tây Ninh, trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chỉ ra những hạn chế nhất định: Trong năm 2024, trên địa bàn đã xảy ra 09 vụ việc liên quan đến hoạt động của nhóm Cao Đài ly khai móc nối với một số đối tượng trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động, tranh giành thực hiện các nghi lễ tôn giáo với các Họ đạo (Bến Cầu và Hòa Thành) gây mất an ninh trật tự cục bộ ở địa phương. Theo đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng đã chỉ ra nguyên nhân của hạn chế là do mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động và nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, tôn giáo có lúc chưa sâu sát; có nơi còn thụ động, chờ chỉ đạo hoặc lấy thông tin của các ngành khác làm thông tin để báo cáo, chưa phát huy hiệu quả sự tham gia của cốt cán trong dân tộc, tôn giáo; còn tình trạng khi có sự việc xảy ra, mới nắm tình hình và tập trung phối hợp tuyên truyền; hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật, các chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được chọn lựa tham mưu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp để đưa vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội định kỳ hàng năm.
Tóm lại, với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự,… góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, do đối tượng công tác tôn giáo rất đa dạng và nhạy cảm; đòi hỏi đội ngũ làm công tác tôn giáo nói chung, ngoài tiêu chuẩn của một cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm công tác, cần phải trang bị cho mình kiến thức toàn diện, kiến thức đa ngành như: triết học, sử học, văn hóa học, xã hội học, tâm lý học, nhân chủng học… thì mới có khả năng hoàn thành tốt công tác tôn giáo. Do vậy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tập trung làm tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, các cấp ủy Đảng tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về“Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đến từng chi bộ cơ sở.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động phối hợp các tổ chức trực thuộc và các tổ chức thành viên Mặt trận trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp Nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền; tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo khác nhau.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp các nội dung giám sát, phản biện đối với chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo trong việc phát huy giá trị tích cực của đồng bào tôn giáo. Định kỳ hoặc đột xuất phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cho cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng, các đề xuất, kiến nghị của tổ chức và tín đồ tôn giáo.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy cùng cấp quan tâm sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo; tiếp tục chọn cử cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành tôn giáo nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần Kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động số 100-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh về tập hợp, vận động già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cùng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Sáu là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc và các tổ chức thành viên tôn giáo trong khối liên minh Mặt trận; làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành và xây dựng cốt cán phong trào trong các tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động tín đồ tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc tạo tiếng nói chính thống để đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự.